Tin thị trường hàng hải
Tin vắn Tuần 18 - 2022
Ngày đăng: 05/05/2022 | Lượt xem: 1072
MSC có đầu tư bến cảng mới tại khu vực vệ tinh TP.Hồ Chí Minh?
Vừa qua, các phương tiện truyền thông đã đưa tin MSC đang đề xuất đầu tư lớn vào một cảng container mới gần khu vực TP. Hồ Chí Minh.
Hãng vận tải lớn nhất thế giới (tính theo trọng tải đội tàu hoạt động) được cho là đang đàm phán với cảng Sài Gòn về việc hợp tác phát triển một cảng nước sâu tại huyện Cần Giờ (Hồ Chí Minh).
Bến cảng đề xuất là một phần trong dự án phát triển mở rộng khu vực cảng mới tại Cần Giờ, cách cảng Cái Mép 10km về phía tây nam (cảng vệ tinh hiện tại của TP. Hồ Chí Minh).
Theo kế hoạch khổng lồ này, sẽ có 6.800 mét cầu cảng được xây dựng tại khu cảng mới với công suất thiết kế lên đến 15 triệu TEU mỗi năm.
Tuy nhiên, dự án được xem là có qui mô quá lớn và thực tế thì bất kỳ sự phát triển nào cũng chỉ có thể hình thành một phần nhỏ trong quy hoạch tổng thể đồ sộ này với hai hoặc ba bến cảng ban đầu được xây dựng.
Tổng Công ty hàng hải Việt Nam (VIMC), công ty mẹ của Cảng Sài Gòn đã đề xuất dự án lên Thủ tướng chính phủ, nhưng dường như chưa rõ liệu liên doanh của Cảng Sài Gòn và MSC có được nhượng quyền khai thác một bến mới trong này hay không. Ngoài ra một dự án lớn như vậy cũng cần phải trải qua một quy trình đấu thầu chính thức.
Theo truyền thông thì một bến container đầu tiên tại khu vực Cần Giờ có thể được đưa vào khai thác năm 2025. Tổng vốn đầu tư cần thiết của dự án đã thay đổi từ 600 triệu USD lên 850 triệu USD.
Việc đóng cửa tại Trung Quốc ảnh hưởng đến nhu cầu hàng hóa
Với việc chỉ có hai hãng tàu Evergreen và MSC sẽ nhận bàn giao thêm một số tàu loại 24.000 TEU đóng mới vào cuối năm nay nên dự kiến tăng trưởng trọng tải đội tàu container trên tuyến Á-Âu sẽ bị hạn chế.
Trọng tải bổ sung hiện tại là không thực sự cần thiết khi mà nhu cầu hàng hóa tại Trung Quốc đã giảm sau việc đóng cửa tại Shanghai và một số nơi khác tại quốc gia này. Cảng Shanghai vẫn hoạt động bình thường, nhưng việc đóng cửa các nhà máy và quy định nghiêm ngặt cho việc vận chuyển đường bộ trong nội địa và các bến cảng khiến sản lượng xuất khẩu giảm trong những tuần qua.
Một số hãng vận chuyển đã bắt đầu tránh lịch trình vì lượng hàng hóa thấp chứ không phải vì tàu hàng nhập từ Châu Âu đến chậm.
Nhu cầu hàng hóa thấp sẽ tạo thêm áp lực cho giá cước giao ngay, giá cước Shanghai-Bắc Âu đã giảm đáng kể, xuống mức dưới 12.000 USD/FEU vào tuần trước từ mức cao 15.600 USD tại thời điểm ngày 14/01 (theo SCFI-Shanghai Containerized Freight Index).
Một điều khá phổ biến là giá cước giao ngay thường giảm trong giai đoạn bình lặng sau Tết Nguyên Đán và trước khi bắt đầu mùa cao điểm, nhưng những đợt đóng cửa kéo dài có thể làm giá cước tiếp tục giảm so với mức giảm 30% từ giữa tháng 1.
Tuy nhiên, giá cước giao ngay vẫn cao hơn 29% so với cùng kỳ năm ngoái và trên thực tế phải so sánh với mức trước Covid là 2.000 USD vào cuối tháng 1/2020, thời điểm công bố đợt đóng cửa đầu tiên tại Wuhan.
Lược dịch: MKT
Chỉ số Thị trường
Tin nổi bật