Chào mừng bạn đến với Công ty cổ phần Vận tải và Xếp dỡ Hải An
  • Tầng 7, số 45 Triệu Việt Vương, P. Nguyễn Du, Q. Hai Bà Trưng, TP. Hà Nội, VN.

Tin nội bộ

Hải An (HAH): Hành trình 15 năm vượt sóng vươn xa

Ngày đăng: 06/08/2024 | Lượt xem: 1849

Liên tục tăng năng lực vận tải trước nhịp giá cước tăng cao trở lại, CTCP Vận tải và Xếp dỡ Hải An (mã HAH) đang được kỳ vọng hưởng lợi kép từ giá cước và năng lực đội tàu.

Liên tục trẻ hoá và mở rộng đội tàu container
Hải An hoạt động trong ba lĩnh vực chính gồm khai thác cảng, vận tải biển và các dịch vụ logistics. Trong đó, giai đoạn đầu, Công ty tập trung phát triển cầu cảng, bãi container tại khu vực Hải Phòng. Từ năm 2014 tới nay, Công ty đã liên tục đẩy mạnh phát triển đội tàu container để khai thác trên tuyến nội địa, nội Á và đã trở thành đơn vị dẫn đầu về thị phần vận tải container nội địa.
Ngày 23/7/2024, Hải An đã tiếp nhận thêm tàu mới Haian Opus (sẽ cho hãng tàu HMM của Hàn Quốc thuê), nâng đội tàu lên 15 chiếc với sức chở hơn 23.000 TEU, chiếm gần 30% thị phần vận tải nội địa. Trong đó, Công ty tự khai thác 8 tàu, cho thuê 7 tàu, hoạt động chủ yếu trên các tuyến nội địa, nội Á và Trung Đông.

Hải An liên tục đầu tư phát triển và trẻ hóa đội tàu.

Thực tế, thị trường vận tải biển đang gặp nhiều thách thức và sự cạnh tranh từ các hãng tàu lớn trên thế giới. Nhiều đơn vị mặc dù đầu tư đội tàu, nhưng chiến lược phát triển không phù hợp, không kịp nắm bắt xu hướng mới của ngành vận tải, dẫn tới đội tàu lạc hậu, khó tìm kiếm khách hàng, nên kinh doanh thua lỗ.
Tuy nhiên, tại Hải An, đây lại là câu chuyện hoàn toàn khác. Với đội ngũ lãnh đạo có nhiều năm kinh nghiệm, đã trải qua nhiều giai đoạn thăng trầm của nền kinh tế, cũng như biến động của ngành Hàng hải, ngay từ khi tham gia lĩnh vực vận tải tuyến nội địa và nội Á từ năm 2014, Ban lãnh đạo Hải An đã đưa ra chiến lược đầu tư đội tàu đủ tiêu chuẩn quốc tế đồng thời liên tục tăng năng lực, chất lượng và trẻ hoá đội tàu để tăng lợi thế cạnh tranh, đến nay đội tàu của Công ty có thể cạnh tranh sòng phẳng với các hãng tàu khác trong khu vực. Trong đó, Công ty cố gắng duy trì tỷ lệ tự khai thác và cho thuê ở mức 50:50 để ổn định cơ cấu, tránh tác động quá lớn từ biến động giá cước tới tình hình tài chính của Công ty.
Được biết, cuối năm 2022, Hải An chỉ sở hữu đội tàu 11 chiếc với tổng sức chở 16.000 TEU. Như vậy, chỉ chưa tới 2 năm trở lại đây, Hải An đã đầu tư và tiếp nhận thêm 4 tàu mới, nâng tổng trọng tải tăng 43,75%, tương ứng tăng thêm 7.000 TEU.
“Chúng tôi liên tục hợp tác và đầu tư các tàu mới để phát triển và trẻ hoá đội tàu đáp ứng nhu cầu của khách hàng trong môi trường kinh doanh mới. Trong đó, Công ty hợp tác với Công ty Anbien Shipping Lines để đầu tư tàu Anbien Bay, Anbien Sky; đầu tư đóng mới các tàu Haian Alfa, Haian Beta, Haian Opus…
Tất cả các tàu đóng mới và đưa vào khai thác trong gần 2 năm qua đều hoạt động tốt, hiệu quả, đặc biệt là tiết kiệm nhiên liệu và thỏa mãn tất cả các yêu cầu giảm phát thải khí carbon, đây là các tài sản có giá và có thể giúp Công ty khai thác hiệu quả trong nhiều năm sắp tới”, lãnh đạo Hải An chia sẻ.
Cho đến nay, sau 15 năm liên tục phát triển, Hải An đã có một bến container với năng lực thông qua gần 500.000 TEU/năm, một đội tàu container 15 chiếc với 11 tàu cỡ Bangkok Max (1.800 TEU) và 4 tàu loại 1.000 TEU, tổng sức chở hơn 23.000 TEU, được xếp thứ 84 trong 100 hãng tàu container lớn nhất thế giới theo xếp hạng của Alphaliner ngày 23 tháng 7 năm 2024.
Quay trở lại về nhân sự cấp cao tại Hải An, sau khi nhóm sáng lập với người đứng đầu là ông Vũ Ngọc Sơn đã xây dựng và phát triển Hải An trở thành một hãng tàu lớn trong nước và vận chuyển tuyến nội Á với tệp khách hàng đa dạng, hệ sinh thái từ cảng tới dịch vụ logistics đầy đủ, ông Vũ Ngọc Sơn đã lùi lại phía sau để cho thế hệ kế cận tiếp tục phát triển.
Ông Vũ Thanh Hải, sinh năm 1973, trình độ Kỹ sư điều khiển tàu biển, Thạc sĩ Quản trị kinh doanh, người có nhiều năm kinh nghiệm và đảm nhận nhiều vị trí quan trọng tại Hải An đã được bầu vào vị trí Chủ tịch HĐQT từ ngày 20/6/2023; ông Nguyễn Ngọc Tuấn sinh năm 1974, trình độ Kỹ sư điều khiển tàu biển, Cử nhân Kinh tế đối ngoại, người cũng đã có nhiều năm đảm nhiệm các vị trí lãnh đạo cấp cao tại Hải An và các đơn vị thành viên được bổ nhiệm giữ chức Tổng giám đốc từ ngày 20/6/2023.
Như vậy, sau thế hệ ông Vũ Ngọc Sơn đã xây dựng và tạo nền tảng cơ bản, thế hệ lãnh đạo tiếp theo với độ tuổi trẻ hơn, được đào tạo bài bản và đã được rèn giũa bởi những lãnh đạo kỳ cựu sẽ tiếp bước tại Hải An để đưa doanh nghiệp vượt sóng, vươn xa, nối tiếp hành trình 15 năm thành lập và liên tục phát triển.

Hưởng lợi kép từ nâng công suất và giá cước neo cao
Sau 6 năm thành lập (năm 2009), năm 2015, Hải An đã chính thức niêm yết cổ phiếu trên thị trường chứng khoán và trở thành một trong số doanh nghiệp dẫn đầu ngành vận tải biển niêm yết trên sàn.
Trong đó, từ đầu năm 2015 tới quý I/2024, bên cạnh việc liên tục phát triển đội tàu, quy mô tài sản và vốn của Công ty cũng liên tục lớn mạnh. Trong đó, tổng tài sản tăng 5,28 lần, từ 920,88 tỷ đồng lên 5.779,53 tỷ đồng; vốn chủ sở hữu tăng 5,27 lần, từ 520,27 tỷ đồng lên 3.263,5 tỷ đồng; vốn điều lệ tăng 3,55 lần, từ 231,96 tỷ đồng lên 1.055,17 tỷ đồng, liên tục hai năm 2021, 2022 Công ty đã trả cổ tức cho cổ đông với mức 50% bằng cổ phiếu.
Thời điểm hiện tại, Hải An đang được dự báo tiếp tục hưởng lợi kép từ chiến lược trẻ hoá và mở rộng đội tàu giúp tăng công suất vận tải, đồng thời còn hưởng lợi khi giá cước đã bật tăng và có thể tiếp tục neo ở vùng giá cao.
Theo dữ liệu của Drewry, thống kê 8 tuyến vận tải chính trên thế giới từ 26/10/2023 đến ngày 11/7/2024, chỉ số World Container Index đã tăng 339,7%, từ 1.342 lên 5.901 USD/container 40ft và vẫn tiếp tục tăng. Trong đó, đà tăng mạnh của giá cước chủ yếu liên quan tới các tuyến vận tải xuyên lục địa.
Mặc dù Hải An không trực tiếp vận tải tuyến xuyên lục địa, nhưng việc giá cước tăng cao trong bối cảnh thiếu container cũng giúp các tuyến khác có dấu hiệu cải thiện. Trong đó, nhờ việc giá cước vẫn được neo ở mức cao, giúp giá cước trên các tuyến nội Á, giá thuê tàu… cũng được cải thiện trong những tháng gần đây.
Thêm nữa, theo dự báo của hầu hết các tổ chức nghiên cứu thị trường, 6 tháng cuối năm 2024 là mùa cao điểm của xuất nhập khẩu và logistics, điều này có thể hỗ trợ cho nhu cầu vận tải tiếp tục duy trì ở mức cao. Tuy nhiên, những căng thẳng về địa chính trị, áp lực lạm phát… vẫn còn tồn tại, nên giá cước trên các tuyến liên lục địa dự đoán cũng chịu tác động khó lường.
Dựa trên năng lực vận tải, giá cước neo cao và cao điểm xuất khẩu nửa cuối năm 2024, lãnh đạo Hải An kỳ vọng kết quả kinh doanh đội tàu sẽ tốt hơn so với 6 tháng đầu năm.


Theo Đặc san Toàn cảnh Doanh nghiệp niêm yết 2024 của Báo Đầu tư
 

Chỉ số Thị trường

EXCHANGE RATES
  15 - Nov 08 - Nov CHG
$-VND 25,512 25,470 42
$-EURO 0.946 0.933 13
SCFI 2,252 2,332 80

 

BUNKER PRICES
  15 - Nov 08 - Nov CHG
RTM 380cst 476 473 3
 LSFO 0.50% 511 519 8
MGO 633 670 7

SGP

380cst 465 475 10
 LSFO 0.50% 565 582 17
MGO 660 671 11